Theo thống kê, tại Việt Nam có tới 30% người trưởng thành bị mắc bệnh mỡ máu cao (rối loạn lipid máu), tỷ lệ người thành thị mắc bệnh là 44,3%. Số người bị bệnh ngày càng gia tăng, đặc biệt ở những người trẻ tuổi. Nếu như trước đây, người ta thường chỉ đề cập đến rối loạn mỡ máu ở trên tuổi 60 thì hiện nay, ngay từ 20 tuổi trở lên đã có khá nhiều người mắc căn bệnh này.
Tùy thành phần mỡ máu, tăng cholesterol, tăng triglycerid hay cả hai mà có những nguyên nhân khác nhau:
+ Cholesterol phần lớn được tổng hợp ở gan, một phần từ thức ăn. Tăng cholesterol máu do tổng hợp quá mức ở gan trong một số bệnh di truyền, bệnh về rối loạn chuyển hóa khác như đái tháo đường… Hoặc là do chế độ ăn nhiều cholessterol như mỡ động vật, lòng lợn gà, lòng đỏ trứng, bơ, thịt chó, bò, trâu, tôm. Ngoài ra còn liên quan tới thừa cân, béo phì và lười vận động.
Cholesterol xấu càng cao thì nguy cơ xơ vữa động mạch càng tăng, làm giảm lưu thông máu, kích thích hình thành cục máu đông. Một nguy cơ khác là mảng xơ vữa bong ra gây tắc mạch: tắc mạch vành gây nhồi máu cơ tim hoặc tắc mạch não gây đột quỵ thể nhồi máu. Thống kê cho thấy khoảng 93% người đột quỵ não có rối loạn mỡ máu.
+ Triglycerid tăng hay gặp nhất là do nghiện rượu, thừa cân béo phì, do các rối loạn gen gây bệnh di truyền, do ít vận động, hoặc mắc các bệnh chuyển hóa như tiểu đường, Hội chứng Cushing… Triglycerid tăng sẽ tích lại ở gan, gây gan nhiễm mỡ. Mức độ nhiễm mỡ từ nhẹ đến nặng cuối cùng dẫn đến xơ gan. Nếu tăng quá cao triglycerid máu, có thể gây viêm tụy cấp tính.
Nếu người bệnh có chỉ số mỡ máu tăng cao cộng thêm một số yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch thì tỷ lệ gây tai biến đột quỵ gấp nhiều lần:
– Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng sinh gốc tự do, thay đổi cấu trúc nội mạch mạch máu làm tiền đề cho các mỡ máu bám vào thành mạch. Mối liên hệ giữa hút thuốc lá và các vấn đề thành mạch được xác định từ năm 1964, và đến năm 1989 các nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá làm tăng 50% nguy cơ tử vong do vấn đề về tim mạch.
– Tăng huyết áp: Theo ước tính, mức tăng huyết áp tâm trương lên 5 mmHg trong thời gian kéo dài nguy cơ đột quỵ tăng lên 34% và nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng 21%. Các nghiên cứu cho thấy xử lý và kiểm soát tốt huyết áp làm giảm nguy cơ đột quỵ và tai biến mạch máu não giảm rất đáng kể.
– Đái tháo đường: Đường huyết tăng cao làm tăng lắng đọng cholesterol tại thành mạch, làm gia tăng các mảng xơ vữa tại thành động mạch, giảm khả năng đàn hồi của mạch máu, tạo cơ hội thuận lợi cho các cục máu đông hình thành, có thể gây bít tắc mạch máu. Thêm vào đó, mảng xơ vữa cũng có thể mất ổn định, vỡ ra và di chuyển trong lòng mạch, làm ngưng trệ dòng máu gây ra đột quỵ nhồi máu não.
Để phòng ngừa đột quỵ, chỉ dùng giảm mỡ máu cao thôi thì vẫn chưa đủ. Bên cạnh việc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần xây dựng một chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý, đặc biệt cần kết hợp các biện pháp phòng ngừa cục máu đông hay còn gọi là huyết khối trong lòng mạch – tác nhân nguy hiểm gây tai biến.